Thị trường ô tô “gặp hạn” mặc dù liên tục giảm giá
Một lần nữa thị trường ôtô Việt Nam lại gặp thách thức, khi mà hầu hết người tiêu dùng đều có tâm lí đợi chờ sự rõ ràng về chính sách cho năm 2018 tới đây, mốc quan trọng khi mà thuế nhập khẩu của các mẫu xe nhập khẩu từ ASEAN sẽ không còn.
Các chương trình giảm giá, khuyến mại hàng lên tới hàng trăm triệu đồng của nhiều hãng xe khác nhau đã không còn mang lại sức hút cho khách hàng Việt Nam thời điểm này, đặc biệt ở phân khúc xe du lịch.
Trong tháng 4/2017 vừa qua, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 21.942 xe, bao gồm 10.705 xe du lịch; 9.562 xe thương mại và 1.675 xe chuyên dụng. Trong đó, doanh số xe du lịch giảm 36% và xe chuyên dụng giảm 6%; riêng phân khúc xe thương mại tăng 15% so với tháng trước.
Đối với các thành viên hiệp hội sản xuất ôtô Việt Nam – VAMA, tháng 4 vừa qua ghi nhận việc Mekong Auto (kinh doanh các mẫu Pronto và Fiat) chính thức thông báo đã bán hết các xe tồn và đang thực hiện kế hoạch sản xuất và nhập mới nên không có số liệu bán hàng để cung cấp. Ngoài ra, liên doanh SYM cũng có lí do tương tự khi không có số liệu bán ra.Ở phân khúc xe du lịch, không có nhiều biến động khi mà cả năm mẫu xe bán nhiều nhất phân khúc đều không thay đổi so với tháng 3/2017, ngoại trừ việc mẫu xe hạng C – KIA Cerato đổi vị trí thứ 5 cho Honda City, sau khi đã bán ra 412 xe. Trong khi đó, Vios vẫn là cái tên duy nhất của Toyota nằm trong top 5, với sự bám đuổi quyết liệt của KIA Morning và Mazda3 – hai mẫu xe hiện do Trường Hải phân phối.
Trong khi đó, ở phân khúc SUV/MPV, sau một tháng bùng nổ với hơn 590 xe bán ra, Nissan X-trail đã rơi khỏi top 5; trong tháng 4 vừa qua, hãng xe Nhật Bản chỉ giao tới khách hàng 70 chiếc, cách xa đối thủ nằm ở vị trí cuối cùng trong top 5 mẫu xe bán nhiều nhất trong tháng là Honda CR-V, với 182 xe bán ra.