Thị trường Việt Nam mở rộng đường cho ô tô ngoại
Bộ Công Thương đã công bố dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô (gọi tắt là dự thảo). Điểm mới nhất của dự thảo này là doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô không cần có giấy ủy quyền chính hãng về phân phối xe tại Việt Nam như quy định tại Thông tư 20/2011 trước đây.
Theo đó, để được Bộ Công Thương cấp mã số nhập khẩu ô tô, DN chỉ cần nộp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc giấy chứng nhận đăng ký DN, hoặc giấy chứng nhận đầu tư và tài liệu chứng minh có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đáp ứng quy định.
Đại diện một công ty ô tô khác phân tích thêm: Từ ngày 9-3 vừa qua, Bộ Công Thương đã bãi bỏ quy định khi làm thủ tục nhập khẩu ô tô dưới chín chỗ phải nộp bổ sung giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp.
Tuy nhiên, các điều kiện khác của Thông tư 20 vẫn được áp dụng. Đơn cử như các công ty muốn nhập ô tô vẫn phải có giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng hoặc hợp đồng đại lý chính hãng theo quy định. Chính vì vậy, DN nhập khẩu ô tô vẫn bị “trói tay, trói chân”.
“Nhưng nay, nếu tiếp tục bãi bỏ quy định nhập khẩu có ủy quyền chính hãng, chúng tôi sẽ tìm kiếm nguồn xe nhập khẩu giá rẻ; đưa nhiều mẫu xe cỡ nhỏ, giá hợp lý từ nhiều nước về Việt Nam nhanh nhất để cạnh tranh, tạo ra mặt bằng giá xe thấp. Điều này sẽ gây sức ép lên các DN nhập khẩu chính hãng, buộc họ phải nỗ lực để cạnh tranh, phục vụ khách hàng tốt hơn” – đại diện công ty trên phân tích.
Mới đây, nhóm công tác công nghiệp ô tô và xe máy thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VBF) cũng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng và bộ, ngành liên quan đề nghị khẩn trương thiết lập các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề ô tô theo đúng quy định. Qua đó để hướng dẫn DN, giúp họ có thể chủ động trong kinh doanh